Đau cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa
Đau cột sống thắt lưng là tình trạng rất phổ biến, có thể xảy ra với bất kỳ đối tượng nào và chủ yếu xảy ra do mắc phải một số bệnh lý về xương khớp hoặc bị chấn thương do tai nạn, té ngã… Các cơn đau này thường đến khá đột ngột, khiến người bệnh mệt mỏi, hạn chế vận động, thậm chí không thể đi lại hay đứng thẳng trong vài ngày liền.
Đau cột sống thắt lưng là gì?
Căn bệnh này còn được gọi là chứng đau lưng vùng thấp, hội chứng này xảy ra do đau khu trú trong khoảng từ ngang mức L1 đến nếp lằn mông, có thể là ở một bên hoặc cả hai bên.Đau cột sống thắt lưng được xem là một chứng bệnh xảy ra phổ biến ở những người cao tuổi và ngày nay căn bệnh này ngày càng có xu hướng trẻ hóa. Theo một thống kê, có đến 80% trường hợp bị đau cột sống thắt lưng không biết rõ nguyên nhân. Có thể là do cột sống chịu áp lực lớn trong thời gian dài, trong đó nam giới có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nữ giới.
Đây là một dạng bệnh mãn tính xảy ra khi các lớp đĩa đệm và cơ khớp bị thoái hóa, mọc gai xương lên trên các cột sống. Chính điều này gây ra các cơn đau nhức cột sống thắt lưng, làm hạn chế vận động do các dây thần kinh bị chèn ép cũng như một số chức năng khác.
Nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng
Theo các chuyên gia, thắt lưng là một trong những bộ phận có cấu trúc rất phức tạp. Nó được cấu thành từ các cơ, xương, khớp và dây thần kinh. Vì vậy, sẽ có rất nhiều nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng và rất khó xác định nếu không thực hiện các bước chẩn đoán kiểm tra y khoa.
Nguyên nhân gây đau cột sống thắt lưng được chia làm 2 nhóm sau:
Nguyên nhân bệnh lý
Gồm một số bệnh lý xương khớp và bệnh lý liên quan như:
1. Thoái hóa cột sống
Thoái hóa cột sống thắt lưng là căn bệnh xương khớp rất phổ biến, thường xảy ra khi tuổi tác ngày càng cao, lúc này cột sống ngày càng yếu đi, thất thoát chất nhầy trong các đĩa đệm và gây ra đau đớn đột ngột khi người bệnh vận động. Không những vậy, cột sống của những người lớn tuổi sẽ ngày càng mất đi độ cong sinh lý, thẳng đứng khiến cả cơ thể có xu hướng gập cong hẳn về phía trước.
Thoái hóa cột sống không chỉ là hệ quả của tiến trình thoái hóa tự nhiên của cơ thể mà còn xảy ra do việc ăn uống kém khoa học, thiếu hụt chất dinh dưỡng, lao động quá sức, hoạt động sai tư thế… Các cơn đau cột sống thắt lưng do thoái hóa thường xảy ra rất đột ngột, xuất hiện từng đợt và kéo dài trong khoảng 6 tuần. Cơn đau thường bùng phát mạnh khi hoạt động và giảm bớt khi nghỉ ngơi.
2. Thoát vị đĩa đệm
Khi cột sống bước vào giai đoạn thoái hóa tự nhiên hoặc bị tác động bởi một lực lớn, đột ngột sẽ làm cho vòng sụn bên ngoài của các đĩa đệm bị rạn nứt, xơ hóa khiến cho các nhân nhầy thất thoát ra ngoài thông qua các vết rách, di chuyển vào trong cột sống và gây chèn ép lên các rễ thần kinh, từ đó bùng phát các cơn đau nhức thắt lưng.
Căn bệnh thường gặp nhất là thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng, đặc trưng với các triệu chứng đau nhức, lúc bộc phát mạnh mẽ lúc âm ỉ kéo dài, thậm chí càng tăng mạnh khi người bệnh vận động nhiều bằng cơ khớp.
3. Viêm khớp
Khi mắc phải căn bệnh này sẽ gây ảnh hưởng đến bất kỳ vị trí nào trên lưng, đặc biệt là vùng thắt lưng. Nguyên nhân chủ yếu là do phần thắt lưng phải chịu áp lực lớn trong thời gian dài, phổ biến nhất là do thừa cân, béo phì, trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ dần khiến cột sống thắt lưng bị tổn thương.
Đặc trưng triệu chứng của căn bệnh viêm khớp gây ra các cơn đau cột sống thắt lưng, bùng phát lúc dữ dội lúc âm ỉ kèm theo tình tạng sưng viêm khớp, gù lưng, sụt giảm chiều cao…
4. Gai cột sống
Gai cột sống là căn bệnh xảy ra do tình trạng thoái hóa cột sống diễn ra trong thời gian dài, không được điều trị và chăm sóc đúng cách khiến các khối sụn bị mất nước, canxi hóa tích tụ tại các dây chằng, hình thành gai xương trên thắt lưng. Bên cạnh nguyên nhân này, các gai xương cũng được hình thành do bị chấn thương, gặp tai nạn, té ngã va chạm mạnh tạo sức ép lên cột sống.
5. Hẹp ống sống
Tình trạng thoái hóa hình thành các gai xương, gai xương này phát triển trong ống sống và chèn ép lên tủy sống, làm hẹp ống sống, gây ra các cơn đau cột sống thắt lưng đột ngột. Áp lực đè nén lên các rễ dây thần kinh gây ra các triệu chứng như đau đớn, chuột rút, tê tái, các triệu chứng ngày càng lan rộng hơn trên vùng thắt lưng. Nếu không được điều trị kịp thời thậm chí có thể gây ra liệt cả hai chân.
6. Đau dây thần kinh tọa
Đau thần kinh tọa hay còn được gọi là đau thần kinh hông to với một số triệu chứng đặc trưng như đau đớn dữ dội, cơn đau chạy dọc theo đường đi của các dây thần kinh tọa, chủ yếu bắt đầu từ vùng cột sống thắt lưng. Cảm giác đau thường kèm theo cảm giác châm chích, như bị kim châm.
7. Giãn dây chằng cột sống thắt lưng
Các cơn đau cột sống thắt lưng thường đến khá đột ngột, nhất là khi vận động mạnh hay bị nhiễm lạnh, cơ thể bị sốc. Kèm theo đó là tình trạng co cơ xung quanh vùng cột sống thắt lưng.
8. Cột sống bị cong bất thường
Cột sống bị gù vẹo, ưỡn là những nguyên nhân khiến cho độ cong của cột sống bị ảnh hưởng. Tình trạng này có thể xảy ra do quá trình lão hóa khi lớn tuổi hoặc là tình trạng bẩm sinh ở trẻ sơ sinh hoặc trẻ em ở độ tuổi thành niên. Cột sống cong vẹo, gù lưng khiến các tư thế hoạt động bị sai và gây ra đau đớn dữ dội vì xương cột sống tạo nhiều áp lực lên các dây chằng.
9. Một số bệnh lý khác
Ngoài những bệnh lý về xương khớp vừa kể trên, đau cột sống thắt lưng còn có thể xảy ra do một số căn bệnh liên quan khác như:
- Phình động mạch chủ bụng: Đây là tình trạng đoạn động mạch bị giãn khu trú lòng mạch với đường kính lớn hơn 50% so với đường kính đoạn động mạch bình thường lân cận xung quanh. Đau cột sống thắt lưng là dấu hiệu đặc trưng nhất khi bị phình động mạch chủ bụng, nếu không được điều trị kịp thời cũng có thể tiềm ẩn nguy cơ vỡ động mạch cực kỳ nguy hiểm.
- Bị nhiễm trùng: Nhiễm trùng không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra đau cột sống thắt lưng. Tuy nhiên nó lại là yếu tố nguy cơ gây ra đau vùng thắt lưng nếu liên quan tình trạng viêm nhiễm đốt sống.
- Sỏi thận: Đây cũng là căn bệnh có thể gây ra đau nhức, cảm giác nhói tại vùng thắt lưng. Tuy nhiên, khi bị sỏi thận gây đau cột sống thắt lưng thường chỉ xuất hiện ở một bên.
- Do khối u: Nguyên nhân này không quá phổ biến, thường thì những người có khối u tại vùng thắt lưng chủ yếu là do các tế bào ung thư di căn sang.
- Hội chứng chùm đuôi ngựa: Đây là hội chứng xảy ra do các rễ dây thần kinh tại vị trí chùm đuôi ngựa bị chèn ép. Điều này vô tình làm gián đoạn một số chức năng vận động. Hội chứng này không chỉ gây đau cột sống thắt lưng mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến các chi dưới, bàng quang khiến người bệnh mất kiểm soát trong việc tiểu tiện, bị tê liệt 2 chi dưới.
- Loãng xương: Loãng xương là tình trạng suy giảm mật độ và chất lượng xương. Kèm theo đó là triệu chứng đau nhức tại nhiều vị trí, trong đó có vùng cột sống thắt lưng. Nếu không kịp thời cải thiện điều trị có thể dẫn đến gãy xương.
- Lạc nội mạc tử cung: Đây là căn bệnh khá phổ biến xảy ra ở chị em phụ nữ. Đây là tình trạng nội mạc không nằm trong tử cung mà đi lạc vào một số vị trí khác như buồng trứng, bàng quang, trực tràng hay khoang bụng. Lúc này bệnh sẽ biểu hiện ra bằng một số triệu chứng, trong đó dễ nhận biết nhất là tình trạng đau cột sống thắt lưng, đau bụng dữ dội…
- Hội chứng Fibromyalgia: Đây là một dạng đau nhức mạn tính của các dây chằng, cơ khớp, gân và các tổ chức mô mềm trong cơ thể. Các cơn đau thường bùng phát dữ dội kèm theo cảm giác mệt mỏi, khó ngủ, dễ rơi vào trầm cảm. Tuy nhiên các chuyên gia cho biết hội chứng này không liên quan đến các tổn thương thực tể ở cơ, xương, khớp.
Một số yếu tố nguy cơ
Song song với các nguyên nhân gây ra đau cột sống thắt lưng, các chuyên gia cho biết cũng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ khởi phát bệnh. Có thể kể đến như:
- Tuổi tác: Tình trạng đau cột sống thắt lưng thường xuất hiện chủ yếu ở những người trong độ tuổi từ 30 – 50. Thậm chí, càng lớn tuổi tình trạng thoái hóa càng diễn ra nhanh hơn và làm tăng triệu chứng đau nhức.
- Thừa cân – béo phì: Trọng lượng cơ thể tăng lên đột ngột do thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên cột sống, cột sống bị chèn ép trong thời gian dài làm bùng phát các triệu chứng đau nhức.
- Do di truyền: Một số bệnh lý gây ra tình trạng đau cột sống thắt lưng có tính chất di truyền, điển hình như bệnh viêm cột sống dính khớp.
- Tính chất nghề nghiệp: Những người thường xuyên làm việc văn phòng, ngồi một chỗ ít vận động hay phải mang vác vật nặng, thường xuyên lặp đi lặp lại động tác cúi gập, xoay vặn thắt lưng cũng có nguy cơ bị đau cột sống thắt lưng cao hơn những người bình thường.
- Mang thai: Tình trạng đau cột sống thắt lưng xảy ra rất phổ biến đối với phụ nữ mang thai, đặc biệt là khi thai phụ bước vào 3 tháng cuối thai kỳ. Nguyên nhân là do kích thước của thai nhi ngày càng lớn khiến cho tử cung giãn rộng, chèn ép lên khung xương chậu và gây đau nhức.
- Do tâm lý: Những người thường xuyên đối mặt với tình trạng căng thẳng, áp lực và lo lắng kéo dài cũng làm tăng mức độ đau nhức khi bị thoái hóa hay thoát vị. Càng stress sẽ càng làm nặng nề hơn các cơn đau cột sống thắt lưng.
Dấu hiệu nhận biết bệnh đau cột sống thắt lưng
Tùy vào nguyên nhân gây bệnh là gì mà mỗi người bệnh sẽ có những biểu hiện khác nhau. Trong đó có một số triệu chứng phổ biến như:
- Bị đau cột sống thắt lưng do thoái hóa cột sống: Thường bùng phát cơn đau đột ngột, chủ yếu ở những người bước vào độ tuổi trung niên. Cơn đau nhức thường xuất hiện khi vận động mạnh hay ngồi một chỗ quá lâu, khi nằm nghỉ ngơi sẽ giảm đau.
- Bị đau cột sống thắt lưng do giãn dây chằng: Cơn đau sẽ đến khá đột ngột, đặc biệt khi thực hiện các tư thế làm việc nặng nhọc như bưng bê, khuân vác vật nặng, mang giày cao gót và di chuyển liên tục, cơ thể bị nhiễm lạnh, bị xóc… Kèm theo cơn đau nhức còn có tình trạng căng cứng cơ.
- Bị đau cột sống thắt lưng do thoát vị đĩa đệm: Người bệnh bị đau cột sống thắt lưng từ âm ỉ cho đến dữ dội, lan dần xuống phía sau đùi, mông, bắp chân, ngón chân, mắt cá chân… Nếu không được điều trị kịp thời có thể gây teo cơ đùi cẳng chân gây liệt vĩnh viễn.
- Bị đau cột sống thắt lưng do các bệnh lý khác: Bên cạnh các cơn đau nhức, tùy vào loại bệnh mắc phải mà người bệnh sẽ bị sụt cân, sốt cao, sốc nhiễm khuẩn và càng làm tăng nặng mức độ đau.
Tình trạng đau cột sống thắt lưng có nguy hiểm không?
Cột sống thắt lưng đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cơ thể giúp con người vận động linh hoạt, xoay gập tùy ý. Tuy nhiên khi bị đau cột sống thắt lưng một cách đột ngột và thường xuyên sẽ làm hạn chế khả năng vận động, cột sống căng cứng, thậm chí làm cho người bệnh không đi lại được.
Tùy vào mức độ thương tổn nặng hay nhẹ, thể trạng của người bệnh mà tình trạng này có thể kéo dài khoảng vài tiếng hoặc vài ngày. Đau vài tiếng, vài ngày được xem là cấp tính, ngược lại những người đau đớn kéo dài từ 3 tháng trở lên là bệnh mãn tính.
Theo các chuyên gia xương khớp, tình trạng đau cột sống thắt lưng có thể chỉ đơn thuần là cơn đau tạm do cột sống bị chèn ép tại một thời điểm nhất định hoặc cũng có thể rất nguy hiểm nếu nguyên nhân gây bệnh xuất phát từ một số bệnh lý như gai cột sống, thoát vị đĩa đệm, thoái hóa cột sống, viêm khớp giữa xương chậu và cột sống hay viêm tủy xương.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị bệnh kịp thời, các cơn đau nhức bùng phát với tần suất thường xuyên hơn và kéo dài dai dẳng sẽ khiến các rễ thần kinh của chùm đuôi ngựa bị chèn ép quá mức, làm gián đoạn chức năng cảm giác và vận động, người bệnh mất khả năng kiểm soát tiểu tiện và hậu quả nặng nề nhất chính là gây tê liệt cơ thể kèm theo tổn thương thần kinh vĩnh viễn.
Biện pháp chẩn đoán đau cột sống thắt lưng
Để chẩn đoán đau cột sống thắt lưng chủ yếu thông qua các cơ sở chẩn đoán lâm sàng, cận lâm sàng và chẩn đoán xác định. Trong đó, chẩn đoán lâm sàng dựa vào các triệu chứng biểu hiện của bệnh, chẩn đoán cận lâm sàng thông qua một số loại xét nghiệm kiểm tra và chẩn đoán xác định thông qua việc tìm ra nguyên nhân gây bệnh.
Một số xét nghiệm thường được chỉ định cho người bệnh thực hiện để tìm ra nguyên nhân bị đau cột sống thắt lưng do nguyên nhân cơ học hoặc là dấu hiệu quả bệnh.
- Xét nghiệm bilan phospho – calci để phát hiện dấu hiệu viêm.
- Chụp X – quang nhằm đánh giá chức năng cột sống, có bị tổn thương gì hay không (gai cột sống, hẹp các khe liên đốt…), có bị loãng xương hay khiếm khuyết ở đốt sống nào không.
- Chụp cộng hưởng từ vùng cột sống thắt lưng để kiểm tra chức năng cột sống. Phương pháp chẩn đoán này thường được chỉ định trong trường hợp nghi ngờ có dấu hiệu bị đau dây thần kinh tọa.
Hướng dẫn phương pháp điều trị đau cột sống thắt lưng hiệu quả
Hiện nay, có khá nhiều biện pháp chữa trị đau cột sống thắt lưng. Theo các chuyên gia nguyên tắc chữa trị căn bệnh này là làm giảm đau và giảm tác động tiêu cực đến cột sống. Tùy vào từng trường hợp bị đau nặng hay nhẹ, các triệu chứng đi kèm, nguyên nhân gây bệnh mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trịphù hợp.
1. Điều trị nội khoa
Điều trị nội khoa thực chất chính là sử dụng các loại thuốc Tây, đây được xem là cách nhanh và hiệu quả nhất để làm giảm mức độ đau, làm dịu cột sống. Tùy từng trường hợp bệnh cụ thể mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc phù hợp.
- Acetaminophen: Đây là loại thuốc có tác dụng giảm đau vùng cột sống lưng thông qua việc ức chế dây thần kinh, làm giảm cảm giác đau của não bộ. Khác với các loại thuốc thuộc nhóm chống viêm không steroid, acetaminophen không có khả năng kháng viêm. Vì vậy, loại thuốc này có thể sử dụng mà không cần bác sĩ kê đơn và được khuyên dùng vì tương đối ít gây tác dụng phụ.
- Thuốc chống viêm không steroid (NSAIDs): Đây cũng là loại thuốc có tác dụng giảm đau hiệu quả kèm theo đó là khả năng chống viêm trong trường hợp đau nhức có liên quan đến tình trạng thoái hóa cột sống. Thuốc được đánh giá cao trong việc làm giảm đau, chống viêm khi bị đau cột sống thắt lưng mãn tính. Bên cạnh aspirin, trên thị trường hiện nay có một số loại NSAIDs không cần kê đơn như: Ibuprofen (Motrin, Advil, Nuprin), Naproxen (Aleve, Naprosyn), chất ức chế COX-2 (Celebrex)…
- Nhóm thuốc steroid: Đây là loại thuốc chống viêm có công dụng rất mạnh nên được sử dụng để điều trị đau cột sống thắt lưng mạn tính. Tuy nhiên, vì công dụng mạnh nên người bệnh cần chú ý về liều dùng và thời gian sử dụng, tránh lạm dụng vì thuốc rất dễ gây ra tác dụng phụ. Nên bắt đầu bằng liều cao để kích phát công dụng của thuốc, sau đó giảm liều xuống thấp và chỉ dùng tối đa 1 – 2 tuần.
- Nhóm thuốc làm giãn cơ: Thuốc có khả năng giảm đau thông qua cơ chế an thần. Tuy nhiên, chỉ những trường hợp bị đau nhức kèm theo triệu chứng co thắt cơ mới được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Một số loại phổ biến thuộc nhóm này như: Mydocalm, Flexeril, Soma, Valium…
- Thuốc giảm đau: Paracetamol là loại thuốc giảm đau được các bác sĩ khuyên dùng khi các cơn đau bùng phát. Thuốc khá hiệu quả nhờ thành phần chất giảm đau, kháng viêm, chống nhiễm khuẩn. Thuốc được đánh giá an toàn và ít gây tác dụng phụ hơn thuốc chống viêm không Steroid. Tuy nhiên, dùng Paracetamol chỉ đem lại hiệu quả tạm thời chứ không thể điều trị bệnh tận gốc.
- Thuốc chống động kinh: Những người bị đau cột sống thắt lưng có biểu hiện của đau dây thần kinh tọa vì thoái hóa cột sống có thể được chỉ định sử dụng nhóm thuốc này. Thuốc có khả năng hỗ trợ kiểm soát làm giảm triệu chứng đau nhức lưng mãn tính, phòng ngừa động kinh. Thuốc dung nạp khá tốt nên có thể sử dụng trong thời gian dài. Loại được sử dụng phổ biến là Gabapentin của thương hiệu Neurontin.
- Thuốc chứa tramadol: Đây là loại thuốc giảm đau khaá hiệu quả nhưng không mạnh bằng loại thuốc giảm đau an thần. Thuốc chỉ có tác dụng giảm đau, không có khả năng kháng viêm. Loại thuốc được sử dụng phổ biến là Ultram, ngoài ra còn có Ultracet chứa cả thành phần tramadol và acetaminophen. Vì vậy, nếu đã sử dụng Ultracet, không nên bổ sung thêm thuốc chứa acetaminophen.
- Một số loại thuốc khác: Tùy vào tình trạng bệnh cụ thể, nếu bị đau cột sống thắt lưng do stress áp lực hay thiếu chất, bác sĩ sẽ khuyến cáo người bệnh sử dụng nhóm thuốc chống trầm cảm ba vòng, chống lo âu (Amitriptylin 25mg/ viên) hoặc bổ sung vitamin nhằm hỗ trợ quá trình điều trị.
Lưu ý:
- Việc sử dụng bất kỳ loại thuốc nào dù là thuốc không kê đơn hay kê đơn cũng cần tham khảo trước ý kiến của bác sĩ. Vì có những loại thuốc giảm đau nhanh nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ khiến người bệnh phụ thuộc vào thuốc.
- Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc hoặc khi dùng cần tuân thủ tuyệt đối liều dùng, thời gian dùng theo hướng dẫn để tránh gây tác dụng phụ có hại cho sức khỏe và tình trạng bệnh.
Điều trị ngoại khoa
Đây là phương pháp được bác sĩ cân nhắc chỉ định thực hiện đối với những người mắc bệnh quá nặng, mãn tính kéo dài và xuất hiện nhiều biến chứng. Đặc biệt, những người bị đau cột sống thắt lưng do thoát vị đĩa đệm hay hẹp ống sống, trượt đốt sống thì việc can thiệp phẫu thuật là điều hết sức cần thiết.
Ưu điểm của phương pháp này là loại bỏ các cơn đau nhức khó chịu vùng cột sống thắt lưng một cách dứt điểm. Đồng thời, hỗ trợ phục hồi chức năng vận động cho người bệnh nếu biết cách tập luyện. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tiềm ẩn một số rủi ro khó lường và kinh phí thực hiện rất cao, không phải người bệnh nào cũng có thể áp dụng được.
Điều trị không dùng thuốc
Bên cạnh 2 biện pháp cơ bản điều trị đau cột sống thắt lưng gồm dùng thuốc và phẫu thuật, có rất nhiều trường hợp áp dụng một số biện pháp không dùng thuốc sau cũng đem lại hiệu quả trị bệnh tương đối cao.
1. Vật lý trị liệu
Vật lý trị liệu là một trong những phương pháp chữa bệnh xương khớp, hỗ trợ cải thiện triệu chứng đau nhức cột sống, cơ, gân… tương đối hiệu quả. Trong quá trình thực hiện vật lý trị liệu, những tác động từ bên ngoài sẽ giúp các dây thần kinh tại vùng cột sống thắt lưng được giải phóng, giúp tuần hoàn máu tốt hơn và hỗ trợ quá trình tái tạo, phục hồi các tế bào mô sụn.
Ưu điểm của phương pháp này là không dùng thuốc, thay vào đó là sử dụng ánh sáng, nhiệt, sóng siêu âm, điện từ trường, laser, sóng ngắn… thông qua các thiết bị, máy móc hiện đại hay các tác động cơ học như kéo, nắn, xoa, bóp, đè ép… thông qua các bài tập vận động, châm cứu, bấm huyệt…
2. Chườm lạnh hoặc chườm nóng
Nhiệt độ lạnh hoặc nóng khi tiếp xúc và tác động trực tiếp lên vùng cột sống thắt lưng sẽ giúp kích thích quá trình tuần hoàn máu đến khu vực này nhiều hơn, từ đó làm giảm đáng kể mức độ đau nhức. Bạn có thể thực hiện cách này bất kỳ lúc nào, khi có thời gian hoặc khi bùng phát cơn đau vì đây chỉ là phương pháp hỗ trợ, hoàn toàn không gây ảnh hưởng đến chức năng cột sống hay sức khỏe tổng thể.
Cách thực hiện: Sử dụng miếng dán chuyên dùng cho người bị đau lưng hoặc cho đá hoặc nước nóng vào túi chườm, sau đó án hoặc chườm trực tiếp lên vùng cột sống bị tổn thương gây đau nhức. Thực hiện trong vòng 20 phút bạn sẽ cảm nhận được sự cải thiện rõ rệt của cơn đau.
3. Điều chỉnh tư thế sau khi thức dậy
Sau khi thức giấc, bạn nên nằm thêm trên giường từ 1 – 2 phút và thực hiện các thao tác tay, chân như vươn vai, duỗi người để làm giãn các cơ xương khớp, cột sống. Tiếp theo, nghiêng người sang một bên, tay chống xuống giường, đặt chân xuống đất và kết hợp đồng thời dùng lực tay đẩy cơ thể ngồi dậy. Thực hiện các bước này một cách từ từ sẽ giúp các cơ được thả lỏng, giãn ra và không bị co rút sau một giấc ngủ dài vào ban đêm.
4. Tắm nước ấm sau khi ngủ dậy
Mỗi buổi sáng sau khi ngủ dậy, thay vì tắm nước lạnh để làm mát cơ thể bạn nên thay đổi thói quen và tập tắm nước ấm. Cách này có tác dụng kích thích sự lưu thông máu trong cơ thể, xoa dịu cơn đau nhức và giảm thiểu tối đa mức 9ộ căng cứng các khớp xương, cột sống.
5. Tạo thói quen nằm ngửa khi ngủ
Nằm ngửa là tư thế giúp cho phần lưng và hệ xương cột sống nằm thẳng trên giường. Không nên nằm sấp hoặc nằm nghiêng vì đây là các tư thế khiến cột sống bị cong, vặn vẹo và đè ép chịu áp lực lớn. Vì vậy, nếu tập luyện thành công thói quen nằm ngửa khi ngủ sẽ hỗ trợ rất tốt cho quá trình điều trị bệnh.
Cách phòng ngừa đau cột sống thắt lưng
Để phòng ngừa tình trạng đau cột sống thắt lưng hoặc e sợ việc bệnh tái phát, quay trở lại nên ghi nhớ các yếu tố chăm sóc phòng ngừa sau đây:
- Hạn chế mang vác, xách đồ quá nặng ở tư thế không phù hợp. Nếu bắt buộc thực hiện hãy chọn tư thế đúng đắn, nên ngồi xuống bê đồ lên và ôm trước ngực thay vì cúi lưng xuống để nhấc đồ nặng.
- Ngủ trên gối có độ cao vừa phải, không quá cao không quá thấp vì thói quen này kéo dài sẽ làm tăng nguy cơ tổn thương đốt sống cổ và lưng.
- Điều chỉnh tư thế ngồi làm việc, thẳng lưng, tay vuông góc với cạnh bàn, chân chạm sàn. Chỉnh độ cao của ghế phù hợp và sau mỗi 1 tiếng làm việc nên đi lại thư giãn để tránh làm vẹo cột sống gây gây đau nhức.
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học, bổ sung đầy đủ canxi và vitamin D cho cơ thể thông qua các loại thực phẩm hoặc viên uống chức năng để hệ xương khớp khỏe mạnh.
- Những cơn đau cột sống thắt lưng thường xuất phát do lưng hoạt động quá sức. Vì vậy, bạn nên thường xuyên nghỉ ngơi, thư giãn sau vài tiếng hoạt động để phòng ngừa tái phát.
Đau cột sống thắt lưng không quá khó để khắc phục nếu người bệnh phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Vì vậy, các chuyên gia khuyến khích nên đến bệnh viện thăm khám ngay khi gặp phải tình trạng này. Lúc này bạn sẽ được chẩn đoán, tư vấn phương pháp điều trị phù hợp, an toàn và cho hiệu quả nhanh.
Có thể bạn quan tâm
The post Đau cột sống thắt lưng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa appeared first on Viện Y Dược Cổ Truyền Dân Tộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét