Mẹ bầu uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi không là vấn đề mà các mẹ bầu bị đau dạ dày đặc biệt quan tâm. Sử dụng thuốc khi đang mang thai chắc chắn không có lợi cho sức khỏe của mẹ và bé, vậy mẹ bầu có thể cải thiện tình trạng đau dạ dày bằng cách nào và nên làm gì trong trường hợp cần dùng thuốc? Những băn khoăn này sẽ được giải đáp ngay sau đây.
Bệnh đau dạ dày ảnh hưởng đến mẹ bầu và thai nhi như thế nào?
Đau dạ dày là tình trạng xảy ra phổ biến ở phụ nữ có thai. Nguyên nhân là do những thay đổi về nội tiết tốt và kích thước tử cung ở cơ thể người mẹ gây ra những chèn ép và biến đổi kéo theo ở dạ dày. Ngoài ra, tâm lý dễ lo lắng, căng thẳng và thói quen ăn uống không lành mạnh ở phụ nữ có thai cũng là những nguyên nhân làm gia tăng tình trạng đau dạ dày.
Đau dạ dày khi mang thai có thể gây ra những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của mẹ và bé. Các triệu chứng của bệnh lại dễ gây nhầm lẫn với những biểu hiện thai nghén thông thường. Mẹ bầu có thể dựa vào một số dấu hiệu dưới đây để nhận biết đau dạ dày trong thai kỳ:
- Cơn đau xuất hiện ở khu vực từ rốn đến xương ức, có thể diễn ra nhanh hoặc kéo dài tới hàng giờ.
- Thường bị đau bụng sau khi ăn, khi dạ dày rỗng hoặc vào ban đêm khi đang ngủ.
- Thường xuyên cảm thấy đầy bụng khó tiêu và buồn nôn.
- Bị ợ chua và cảm thấy đau rát vùng thượng vị.
- Khó nuốt thức ăn, ăn không ngon và bị sụt cân.
- Đi ngoài phân đen.
- Bị nôn ra máu.
Những triệu chứng khó chịu của bệnh đau dạ dày có ảnh hưởng không nhỏ tới ăn uống sinh hoạt; khiến mẹ bầu thường xuyên cảm thấy mệt mỏi, bứt rứt. Nếu tình trạng này không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh dạ dày tăng nặng sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của mẹ và bé. Mẹ bầu có thể phải đối mặt với những biến chứng nguy hiểm của bệnh dạ dày còn thai nhi có thể bị suy dinh dưỡng do những trục trặc trong việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng ở người mẹ.
Uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi không?
Mẹ bầu bị đau dạ dày luôn được khuyến khích thực hiện những điều chỉnh trong thói quen ăn uống sinh hoạt để cải thiện bệnh trước khi tính đến biện pháp sử dụng thuốc. Nếu bệnh dạ dày đã ở mức nặng và không thuyên giảm được sau khi mẹ bầu đã điều chỉnh lối sống, giải pháp điều trị bằng thuốc với được tính đến.
Sử dụng thuốc đau dạ dày cho phụ nữ có thai luôn luôn cần hết sức thận trọng, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Thuốc đau dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi như thế nào? Dưới đây là nguy cơ mà thai nhi có thể gặp phải ở mỗi giai đoạn phát triển khi mẹ bầu sử dụng thuốc không đúng cách:
- 3 tháng đầu: Đây là giai đoạn thai nhi hình thành hầu hết các cơ quan và bộ phận của cơ thể. Sử dụng thuốc đau dạ dày trong giai đoạn này có nguy cơ cao gây dị tật thai nhi.
- 3 tháng giữa: thai nhi ở giai đoạn này đã ít nhạy cảm hơn với các kích thích bên ngoài, tuy nhiên quá trình biệt hóa các bộ phận vẫn đang diễn ra. Dùng thuốc ở 3 tháng giữa thai kỳ dễ gây ảnh hưởng tới sự hình thành bộ phận sinh dục ở trẻ.
- 3 tháng cuối: lúc này các bộ phận cơ thể của thai nhi đã hình thành đầy đủ, tuy nhiên chức năng của các cơ quan vẫn chưa hoàn thiện; mẹ bầu dùng thuốc có nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tới chức năng gan và thận của bé.
Có một số loại thuốc đau dạ dày khi sử dụng với liều lượng thích hợp sẽ không gây hại cho sức khỏe của người mẹ và thai nhi. Tuy nhiên, ngay cả những loại thuốc được đánh giá là an toàn cho phụ nữ có thai cũng cần được sử dụng theo chỉ định của bác sĩ. Tự ý dùng thuốc khi chưa được kê đơn hoặc dùng sai liều, sai cách đều có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng, đe dọa tới tính mạng của cả mẹ và thai nhi. Các nguy cơ có thể gặp phải là tiền sản giật, suy hô hấp, dị tật thai nhi, sẩy thai, tử vong.
Khi dùng thuốc chữa đau dạ dày trong thai kỳ, nếu gặp phải các tác dụng phụ sau đây, mẹ bầu cần lập tức ngưng sử dụng và thông báo với bác sĩ điều trị để được hỗ trợ kịp thời:
- Mất cảm giác, tê ngứa, dị ứng da.
- Hoa mắt, nhìn mờ.
- Nhức đầu, chóng mặt, buồn ngủ.
- Khô miệng, ù tai.
- Đầy hơi, đau bụng, táo bón hoặc tiêu chảy.
- Tay chân mất linh hoạt.
- Tim đập nhanh, bất tỉnh.
Sử dụng thuốc Đông y trong điều trị đau dạ dày khi mang thai sẽ an toàn hơn cho sức khỏe của mẹ và bé. Tuy nhiên, dù chữa bệnh bằng bất kỳ loại thuốc nào, Đông y hay Tây y, mẹ bầu cũng cần tham khảo ý kiến bác sĩ và tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn sử dụng thuốc.
Cần làm gì khi lỡ uống thuốc đau dạ dày khi đang mang thai?
Phụ nữ mang thai là đối tượng nhạy cảm được khuyến cáo không nên tự ý sử dụng bất kỳ thuốc gì. Tuy nhiên, có một vài trường hợp, mẹ bầu không biết mình đang mang thai nên đã lỡ sử dụng thuốc đau dạ dày. Vậy bà bầu nên xử lý như thế nào trong tình huống này?
Nếu đã lỡ uống thuốc đau dạ dày sau đó mới phát hiện có thai, mẹ bầu cần nhanh chóng tới bệnh viện thăm khám, đồng thời đem theo đơn thuốc (hoặc vỏ thuốc) đã dùng. Từ tuần 13-20 của thai kỳ, bác sĩ có thể thực hiện các xét nghiệm phát hiện dị tật thai nhi và theo dõi các vấn đề sức khỏe khác để đưa ra những ý kiến tư vấn y khoa cho mẹ bầu.
Lời khuyên cho bà bầu là nếu cần sử dụng thuốc dạ dày hay bất kỳ loại thuốc nào khác, kể cả thuốc bổ, hãy luôn tham khảo ý kiến của bác sĩ và dùng thuốc đúng theo chỉ dẫn; đồng thời không được tự ý bỏ liều hay đổi thuốc trong quá trình điều trị.
Uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi? – Những lưu ý mẹ không nên bỏ qua
Trong thai kỳ, mẹ bầu cần hết sức chú ý chăm sóc sức khỏe của bản thân, nếu nhận thấy cơ thể có bất kỳ triệu chứng nghi bị đau dạ dày nào thì cần đi khám sớm để phát hiện bệnh ngay từ giai đoạn đầu. Điều này có ý nghĩa quan trọng, giúp mẹ bầu có thể khắc phục tình trạng đau dạ dày nhanh chóng, an toàn và hiệu quả nhất.
Trước khi quan tâm tới việc có thai uống thuốc đau dạ dày có sao không, điều các bà bầu cần làm trước tiên là điều chỉnh những thói quen xấu hiện tại đang gây hại cho cơ quan tiêu hóa. Nếu bệnh tình chưa ở mức nặng, các biện pháp này sẽ giúp mẹ bầu cải thiện nhanh chóng tình trạng đau dạ dày. Ngay cả trong trường hợp cần phải sử dụng thuốc, mẹ bầu cũng cần kết hợp các biện pháp chăm sóc tại nhà mới có thể đem lại hiệu quả điều trị tốt nhất.
Một số lưu ý về chế độ ăn uống cho mẹ bầu bị đau dạ dày:
- Tăng cường rau xanh và hoa quả tươi trong chế độ ăn để bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể, đồng thời hỗ trợ hoạt động tiêu hóa diễn ra thuận lợi.
- Hạn chế ăn các món chiên xào nhiều dầu mỡ, thức ăn cay nóng, thức ăn chế biến sẵn không tốt cho sức khỏe và hoạt động của hệ tiêu hóa, làm nghiêm trọng hơn tình trạng đau dạ dày.
- Uống đủ 2-3 lít nước một ngày luôn là việc cần thiết cho sức khỏe của mẹ và bé, hơn nữa còn hỗ trợ tiêu hóa và giúp trung hòa bớt axit dạ dày.
- Hạn chế sử dụng nhiều thực phẩm chua và các loại thực phẩm lên men như cà muối, dưa chua.
- Không được hút thuốc lá, không sử dụng thực phẩm có chứa chất kích thích.
- Nên chế biến món ăn bằng cách hấp, luộc, hầm; hạn chế chiên rán, xào và nướng.
Một số lưu ý liên quan tới thói quen sinh hoạt cho mẹ bầu:
- Ăn quá no hoặc để bụng quá đói đều có thể gây ra đau dạ dày. Phụ nữ có thai nên ăn đúng bữa, đúng giờ và ăn chậm, nhai kỹ để bớt gây áp lực cho dạ dày.
- Sau khi ăn, mẹ bầu nên ngồi nghỉ ngơi hoặc đi lại nhẹ nhàng để hỗ trợ tiêu hóa. Dù cơ thể nặng nề, mệt mỏi cũng không được đi nằm ngay rất dễ gây trào ngược dạ dày. Ngoài ra cũng không nên vận động mạnh hoặc làm việc ngay sau khi ăn.
- Mẹ bầu cần đi ngủ sớm và đúng giờ. Thói quen thức khuya gây hại cho hệ tiêu hóa và sức khỏe của mẹ và bé nói chung.
- Cần tăng cường thời gian nghỉ ngơi, thư giãn để bảo vệ sức khỏe và giữ cho tinh thần được thoải mái, vui vẻ.
- Mẹ bầu nên tập thể dục nhẹ nhàng, đơn giản nhất là đi bộ hoặc có thể tập thiền hoặc yoga vừa tốt cho sức khỏe, vừa giúp tinh thần thư giãn và thoải mái.
Hy vọng những thông tin được cung cấp trên đây đã giúp quý độc giả giải đáp băn khoăn uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi hay không. Mẹ bầu cần ghi nhớ rằng sử dụng thuốc trong thai kỳ là biện pháp chỉ được dùng đến trong trường hợp bất khả kháng và cần tuyệt đối tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ để đảm bảo lợi ích tối đa cho sức khỏe của mẹ và thai nhi.
Xem thêm:
The post Mẹ bầu uống thuốc dạ dày có ảnh hưởng đến thai nhi không? appeared first on Viện Y Dược cổ truyền dân tộc.
Nhận xét
Đăng nhận xét